• +84932349858
  • minh@nghisonfoodsgroup.com
  • Language:

Cơ hội và thách thức từ EVFTA?

(PLVN) – Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

 

Những tác động tích cực về hoạt động xuất nhập khẩu

Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT cho thấy EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Cụ thể hơn, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có Hiệp định. Trong đó cao nhất là vận tải hàng không tăng tới 141%; vận tải thủy tăng 100%; da giày tăng 99%, may mặc tăng thêm 81% và mặt hàng gạo tăng thêm 65% vào năm 2025.

xuat khau thuy san

Trong các tác động tích cực về mặt XK, nhiều chuyên gia cũng lo ngại về ngành hàng thủy sản. Theo đánh giá, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho XK thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn như chủ động được nguồn nguyên liệu, con giống, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và hàng rào phi thuế quan khá cao từ EU là những thách thức rất lớn. Dự kiến, XK mặt hàng này vào EU sẽ tăng rất chậm, với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030, trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ EU có thể tăng cao hơn (trong khoảng 2,8%-5%).

Ở chiều thương mại ngược lại, nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Nhóm hàng được dự báo tăng NK nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị NK tăng thêm.

Hiện Việt Nam là nước NK lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường NK lớn thứ tư của Việt Nam với mặt hàng này. Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế NK đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng NK và có thể giảm ở các thị trường khác. Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, kể cả XK và NK, từ đó giúp giảm dần các cuộc “giải cứu” và nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Cũng theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), bao gồm sẽ giảm thu NSNN do giảm thuế NK và thuế XK. Đồng thời tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế XK, thuế NK theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2.537,3 tỷ đồng. Nhưng thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Mức tăng sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng.

Đối mặt thách thức

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, EVFTA cũng mang lại những thách thức nhất định với Việt Nam như các cam kết về lao động – công đoàn và môi trường có thể làm gia tăng sức ép trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế của Việt Nam theo các tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng như các tổ chức quốc tế khác.

Do vẫn là nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao, lại đang chuyển đổi nên Việt Nam có thể sẽ gặp phải một số khó khăn. Ví dụ như sức ép tuân thủ các quy định quốc tế về lao động có thể làm gia tăng chi phí lao động, giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí là gây căng thẳng một số mối quan hệ xã hội nếu ta không có các biện pháp chuẩn bị và xử lý khéo léo.

Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế – pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới…

Ngoài ra, những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để các DN tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam.

Vẫn theo đại diện Bộ Công Thương, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững… nên để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng.

 

+84932349858