Trước đây, nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng tươi sống ở các nước sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, có xu hướng xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới, đặc biệt với những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ đông lạnh. Hiện, nhu cầu đối với mặt hàng này đang cao và giá các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng nhanh.
Trung Quốc là nước sản xuất chính trên thế giới với khoảng 600.000 tấn, nhưng phần lớn khối lượng này là để nuôi các loài thủy sản khác như ghẹ xanh. Tây Ban Nha là nhà cung cấp chính cho nhu cầu tiêu thụ của con người, sản xuất 250.000 tấn vẹm/năm và có xu hướng ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất Tây Ban Nha đã nỗ lực để có được chứng nhận xuất xứ PDO của châu Âu (Protected Denomination of Origin) để giúp cho việc quảng bá hình ảnh của họ tại thị trường EU.
Người tiêu dùng Bắc Âu phải trả giá gấp đôi so với người tiêu dùng ở Nam Âu. Điều này có thể là do chuỗi giá trị ở Nam Âu đơn giản hơn và ngắn hơn. Tuy nhiên, dự kiến là vẹm sẽ xuất hiện nhiều ở các thị trường mới như Nga và Mỹ. Giá sản phẩm này có thể tăng cùng với nhu cầu cũng tăng.
Australia đang đẩy mạnh nuôi vẹm xanh (blue mussel), với mục tiêu cung cấp cho thị trường EU và Mỹ vào các thời điểm trong năm khi mà sản lượng ở EU và Mỹ giảm (tận dụng khí hậu khác nhau ở Nam bán cầu). Xuất khẩu vẹm của Chile ổn định ở mức 44.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Sự xuất hiện của sản phẩm này tại thị trường Tây Ban Nha đang giảm dần, mặc dù Tây Ban Nha vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng vẹm đông lạnh của Chile. Sản phẩm này là nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp đồ hộp của Tây Ban Nha.
Nhập khẩu vẹm của Tây Ban Nha giảm trong năm 2019, có thể là do sản lượng trong nước tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ nhập khẩu 9.000 tấn, so với 13.000 tấn và 10.000 tấn của cùng kỳ năm 2017 và 2018. Nhập khẩu của Pháp ổn định trong năm 2019, ở mức 31.000 tấn, Tây Ban Nha và Hà Lan là nhà cung cấp chính.
Table of Contents
ToggleSò điệp (Scallops)
Liên minh châu Âu đã cho phép Trung Quốc xuất khẩu trở lại mặt hàng sò điệp sang thị trường EU sau khi đưa ra lệnh cấm từ năm 2007. Sản lượng sò điệp Peru đã phục hồi hoàn toàn sau khi sụt giảm vào năm 2017 và 2018 (sản lượng giảm 80% do các vấn đề môi trường). Trước mắt, Peru sẽ nhắm đến thị trường Mỹ, vì Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ (do Mỹ áp thuế với thủy sản của Truang Quốc, trong đó có mặt hàng sò điệp). Xuất khẩu sò điệp của Peru vào thị trường EU được dự đoán là phục hồi chậm. Nhập khẩu của Pháp trong nửa đầu năm nay đạt 1.600 tấn, tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng lượng xuất khẩu sò điệp trên toàn thế giới đã giảm từ 92.800 tấn của nửa đầu năm 2018 xuống còn 73.700 tấn cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là do nhập khẩu vào Trung Quốc giảm.
Hàu (Oysters)
Trong nửa đầu năm nay, thương mại hàu trên thế giới – cả nhập khẩu và xuất khẩu đều ổn định ở mức 32.000 tấn. Hàn Quốc và Pháp là các nước xuất khẩu chính, trong khi Mỹ và Nhật Bản là các nước nhập khẩu chính. Hàn Quốc nhắm mục tiêu chủ yếu vào thị trường Nhật Bản, trong khi Pháp tập trung bán hàng cho các nước trong khối EU và Trung Quốc. Những tháng đầu năm, tiêu thụ không cao, trong khi những tháng cuối năm là giai đoạn kinh doanh chính, trữ hàng cho các lễ hội Giáng sinh.
Ngao (Clams)
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngao tăng nhẹ, đạt 141.000 tấn. Nhật Bản và Hàn Quốc là các nhà nhập khẩu chính, trong khi Trung Quốc là nước xuất khẩu chính. Các vị trí này không thay đổi trong nhiều năm qua.
Dự báo
Sản lượng vẹm ở Tây Ban Nha dự kiến đạt kỷ lục năm 2019, có thể đạt mốc 300.000 tấn. Giá vẹm ổn định, nhưng có thể tăng khi nhu cầu tăng vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Mùa hè quá nóng trong tháng 6/2019 tại Pháp đã làm tăng tỷ lệ chết của hàu. Dự kiến sản lượng hàu năm 2020 sẽ giảm và giá có thể tăng. Mùa Giáng sinh là thời điểm mặt hàng hàu được tiêu thụ mạnh và giá sẽ tăng trong dịp này.
Sự thay đổi trong chính sách của EU đối với mặt hàng sò điệp của Trung Quốc sẽ giúp việc mua bán trở nên thuận lợi hơn. Có khả năng Trung Quốc sẽ tăng mạnh xuất khẩu sò sang EU, điều này có nghĩa là các sản phẩm của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với các nhà cung cấp sò điệp khác. Bên cạnh đó, mùa sò điệp tốt ở Peru, dự kiến năm 2020 sò điệp Peru sẽ quay trở lại các thị trường truyền thống (chủ yếu là Pháp) và cả thị trường Ý nhưng với mức độ thấp hơn. Sản xuất hai mảnh vỏ tăng do được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng tại tất cả các thị trường. Giá ngao ở Nam Âu có thể sẽ tiếp tục tăng cao, do nhu cầu đang vượt quá nguồn cung. Giá được dự kiến là sẽ bình ổn vào đầu năm 2020, khi các hoạt động thương mại bắt đầu chậm lại.